Lemm try something

https://pagead2.googlesyndication.com/pagead/js/adsbygoogle.js

Posted in Uncategorized | Leave a comment

Chuyện bờ cờ

5146030061_bang_tieng_viet_noi
A á ớ bờ cờ

Tớ ko có vấn đề với Thủ tướng đọc “cờ lờ mờ vờ.” Nhưng tớ có vấn đề với cách đặt tên chữ cái kiểu đó.

Nói cách khác, tớ không trách ông Phúc, mà tớ trách cái người quan chức nào đó ngày xưa nghĩ ra cách đặt tên bảng chữ cái “a bờ cờ”.

Thời ông Phúc đi học ở miền Bắc, người ta dạy theo kiểu đó. “A” là a, mà “B” là bờ. Trường lớp dạy ổng vậy thì ổng hiểu tiếng Việt đọc như vậỵ Ổng đi Nga học, người ta dạy “A” là a, mà “Б” là be, thì ổng hiểu tiếng Nga đọc như vậỵ Tiếng Việt khác, tiếng Nga khác, ông đọc theo kiểu Việt mà ông biết, đối với tớ không thành vấn đề.

Nhưng theo tớ cách đặt tên chữ cái “B, C, D, Đ” là “bờ, cờ, dờ, đờ” là một cách đặt tên dở.

Dùng “bờ, cờ, dờ, đờ” để dạy phát âm, thì cũng được.(*) Bờ i bi huyền bì, cũng ok đi.

Nhưng dùng để gọi tên các chữ cái là dở. Vì nó khó đánh vần, dễ nhầm lẫn.

Dễ nhầm lẫn vì chữ cái nào cũng “ờ ờ ờ ờ,” khó phân biệt.

Đừng nói chi xa, ngay cái “cờ lờ mờ vờ” của ông Phúc, phải nghe nhiều lần mới ra, vì một loạt “ờ” nghe rất giống nhau.

Các ngôn ngữ khác có tên chữ cái được hình thành qua sử dụng nhiều trăm năm (chứ không phải do ai đó ở miền Bắc sau 54 úm ba la nghĩ ra) nên đặt tên các phụ âm nhiều kiểu chứ không phải chỉ một vần.

CLMV kiểu Pháp sẽ là “xê el em vê”, kiểu Anh sẽ là “xi eo(l) em vi”, kiểu Tây Ban Nha sẽ là “xê êlê êmê uvê”. Tiếng Nga, bốn nước này sẽ là “КЛМВ” và sẽ đọc là “kha el em vê” (đại khái thế, tớ không rành tiếng Nga, tớ nghe người ta đọc dùm rồi chép lại).

Nhiều vần khác nhau, ít nhầm lẫn. Dùng mỗi một vần “ờ”, dễ nhầm lẫn.

Đánh vần chữ cái, quan trọng là mình đánh vần và người nghe biết ngay mình đang nói đến những chữ cái nào. Hai chữ cái khác nhau, gọi nó bằng hai tên càng khác nhau càng tốt. Nhưng nếu mỗi phụ âm lại đặt tên dùng một vần nguyên âm khác nhau thì không được vì (1) có nhiều phụ âm mà ít nguyên âm, và (2) thay vần nguyên âm lung tung lại hóa ra khó nhớ.

Cho nên tiếng Pháp, Tây Ban Nha căn bản dùng vần “ê”, tiếng Anh căn bản dùng vần “i”. Nếu tiếng Việt căn bản dùng vần “ờ” thì cũng ok đi, nhưng lại chỉ dùng thuần vần “ờ” thôi thì lại thành dở.

Tính ra, bảng chữ cái tiếng Việt có 17 phụ âm, theo kiểu bờ cờ dờ thì có hết 14 chữ cái là vần “ờ” (trừ “ka,” “sờ nặng” với “xờ nhẹ” <– cái vụ này nữa, mai mốt nói!)

Có hết 14 cách để bị lẫn lộn!

Bảng chữ cái Pháp ko có Đ và có thêm F, J, W, Z, thì có 20 phụ âm, chỉ có 7 phụ âm vần “ê”, có 6 phụ âm đặt tên kiểu “e”+phụ âm: eff, el, em, en, err, ess. Tức là maximum chỉ có tới 7 cách để bị lẫn thôi. Các chữ H, J, K, Q, W, X, Y, Z đều có tên hoàn toàn khác các chữ cái còn lại, không nhầm lẫn được.

Kiểu đọc chữ cái tiếng Việt xưa là dựa theo kiểu Pháp và do đó được thừa hưởng sự “khó nhầm lẫn” đó.

So sánh tiếp.

Bảng chữ cái tiếng Anh kiểu Anh cũng 20 phụ âm, 7 phụ âm vần “i”, 5 phụ âm kiểu “e”+phụ âm, maximum 7 cách để bị lẫn. Kiểu Mỹ gọi Z là “zee” thì có 8 phụ âm vần “i”, maximum 8 cách để bị lẫn.

Tiếng Tây Ban Nha, có 23 phụ âm, 7 phụ âm vần “ê”, 8 phụ âm kiểu “ê”+phụ âm+”ê” như R đọc là êrê, maximum 8 cách để bị lẫn.

Túm lại là cách đặt tên chữ cái kiểu phụ âm+”ờ” là cách dở vì mục đích đặt tên các chữ cái là để đánh vần cho người nghe hiểu thì lại không đạt được.

Nó là cách đặt tên tùy tiện, do ai đó có quyền có chức ở miền Bắc sau 1954 nghĩ ra, bắt mọi người phải nghe theo, và Thủ tướng Phúc, xét cho cùng, cũng chỉ là nạn nhân của người đó.

=======

(*) Tái bút / chú thích:

Dùng “bờ cờ” để dạy phát âm theo tớ chỉ mới là tạm được thôi chứ chưa hay hẳn.

Dạy “Bờ I Bi” chỉ thực sự tốt nếu âm “ờ” phát ra nhẹ thôi, thì em bé nghe phụ âm “B”, ghép với nguyên âm “I”, thành “BI”, là tốt.

Thí dụ dạy tiếng Pháp cho người Tàu (là nước có ký tự không có phonetic), người ta vẫn dạy “B(ơ) I” rồi ghép lại thành “BI” mặc dù tên gọi của chữ cái “B” là “bê”. Nhưng âm “ơ” chỉ phát hờ thôi chứ không thực sự phát âm thành tiếng.

Vì nếu phát âm thành tiếng, thì “Bờ I” ghép lại = “bời” chứ không phải = “bi”.

Posted in Uncategorized | Leave a comment

Indiana Jones và cá chết

f756a-raiderslostark_001pyxurz

Các bác chắc còn nhớ phim Raiders of the Lost Ark. Phải trải qua bao gian khó thừa sống thiếu chết, Indiana Jones mới chiếm được Hòm Bia Giao ước (Ark of the Covenant) từ trong tay quân Ðức Quốc Xã Mang về Mỹ, giao cho nhà nước. Tưởng gì, nhà nước nói, chúng tôi đã cho những chuyên gia hàng đầu nghiên cứu Hòm bia Giao ước. “Top men,” ông nhà nước biểu vậy.

What the heo? Top man là Indiana Jones chứ lại còn đưa cho top men nào nữa.

Indiana vặn lại, “Who?” — ai cơ chứ?

Ông nhà nước lạnh lùng lập lại, “Top men.”

Trên thực tế, Hòm Bia Giao ước bị đóng thùng đẩy vô nhà kho cho chìm vào quên lãng. Chả biết các top men là ai, họ làm gì, nghiên cứu điều tra thế nào, và tới khi Indiana Jones trở lại trong các phim Indiana Jones and the Temple of DoomIndiana Jones and the Last Crusade, chính Indiana Jones cũng quên mất cái Hòm Bia.
Tớ nhớ tới đoạn phim này vì tới nay đã quá thất tuần từ vụ cá chết Vũng Áng nhưng vẫn chưa biết lý do.
Trong khi đó thì nhà nước biểu chúng tôi đã cho những chuyên gia hàng đầu nghiên cứu vụ cá chết, nào là chuyên gia trong nước nào là chuyên gia nước ngoài, lại toàn những nước tư bản sừng sỏ nữa chứ : Ðức, Mỹ, Israel.
Ngoài một ông giáo sư Ðức được trích dẫn, còn thì không ai biết các top men của ông nhà nước là những ai, họ làm gì, nghiên cứu điều tra thế nào.
Và chắc hẳn ông nhà nước đang hy vọng là như Indiana Jones, người dân sẽ từ từ quên luôn mấy con cá chết.
4a2af17f72f8c850e092ae545074ff56

UPDATE: Vừa post bài này được vài tiếng thì có tin các ông họp báo và nói sau khi Top Men của các ông đã làm việc xong thì các ông còn chờ thêm Top Men nữa phản biện.

Posted in Nhảm nhảm nhảm | 1 Comment

Hai du khách người miền _____ bị bắt tội ăn cắp ở Thụy Sĩ

Gucci-Sunglasses-10-450x227
Nghe tin hai người Việt Nam ăn cắp bị bắt tại Thụy Sĩ, dân tình nhao nhao “nhục quốc thể,” như thể nước Việt Nam bị nhục nhã lắm.

Nhưng khi bạn Huỳnh Trọng Nguyễn lên Facebook hỏi bâng quơ, “Hai du khách ăn cắp ở Thụy Sỹ bị cảnh sát phạt, là người miền Bắc hay người miền Nam vậy pà kon?” là y như rằng dân tình nhảy vào phản đối.

Nhẹ, thì khuyên bảo đừng kỳ thị vùng miền như thế. Nặng hơn, thì phán rằng mình “DẤT KHINH bất cứ kẻ nào đặt ra những câu hỏi đại loại như thế nầy!” Còn nặng nữa thì xỉa lại, “Thằng luyện thằng dương là người miền nào. Tư duy quái đản.

Họ đưa ra câu trả lời rất đúng, thí dụ như bạn Tony Ngo thì nói “Dân ở đâu không có người này người kia, người tốt người xấu.”

Vâng, ở đâu không có người này người kia.

Thế nhưng (ko có “thế nhưng” viết blog làm giề)!  Thế nhưng, ở đây có sự mất cân bằng nghiêng ngả.

  • Tại sao chỉ có “vùng miền” là có người này người kia, mà không thể có “Việt Nam” cũng có người này người kia?
  • Tại sao khi biết du khách này người Việt Nam thì đổ cái nhục đó lên Việt Nam, mà nếu biết du khách này người miền Bắc (chẳng hạn), lại không thể đổ cái nhục đó lên miền Bắc?
  • Và nếu như hai người này dân Hà Nội đi, tại sao không lấy cái nhục đó trải ra cho 6.7 triệu dân Hà Nội?

Nói cách khác, tại sao “DẤT KHINH” kẻ hỏi du khách này người miền gì, mà không khinh những kẻ hỏi du khách này người nước gì???

Khi khẳng định vùng miền không thể bị nhục lây bởi hành vi của 2 người, thì tất nhiên, ipso facto, cả nước cũng không thể bị nhục lây bởi hành vi của 2 người.

Mà thật. Các bác làm như xưa nay chưa thấy 2 người nào bị bắt vì ăn cắp hay sao í.

Hay các bác làm như các nước khác chỉ có 0 hay 1 người bị bắt vì ăn cắp hay sao í.

Cái đáng nhục không nhục, chuyện của mỗi 2 người lại đem ra kêu nhục.

Rồi cả cái Tổng cục Du lịch kia nữa, bắt công ty tour phải báo cáo. Nhảm. Ngay trong Tổng cục Du lịch có vô số cán bộ ăn cắp còn cao siêu hơn, các ông không xử lý đi, lại bắt người ta báo cáo vì hành vi của khách hàng.

Posted in Nhảm nhảm nhảm | Tagged , , | Leave a comment

Làm báo dễ lắm, nhà báo phanh phui vụ FIFA bảo vậy

Andrew Jennings

Vụ án tham nhũng tại FIFA tuy chỉ mới bùng ra đây, nhưng nghi vấn về hối lộ trong việc đăng cai World Cup đã bị nhà báo Andrew Jennings phát hiện từ lâu, in cả thành sách “Foul! The Secret World of FIFA: Bribes, Vote Rigging and Ticket Scandals” và làm thành phim tài liệu chiếu trên truyền hình BBC.

Andrew Jennings cũng chính là người phanh phui vụ tham nhũng tại Ủy ban Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC). Sau khi vụ hối lộ liên quan tới Olympic mùa Đông ở Salt Lake City bị lộ, các quan bị cách chức, ngườ ta mới đem cựu Thống đốc Mitt Romney về chấn chỉnh tổ chức giúp Winter Olympics ở Salt Lake City thành công và Romney nổi tiếng từ đó. Riêng trong vụ FIFA, cách đây mấy năm chính FBI đã liên lạc với Jennings và được ông cung cấp tài liệu nội bộ của FIFA trong đó có những món tiền hoa hồng cực kỳ đáng nghi.

Vậy làm cách nào Jennings kiếm được những tài liệu từ trong lòng FIFA? Washington Post mới phỏng vấn ông trong bài này, trong đó có những lời khuyên khá độc đáo về chuyện làm báo.

(1) Tìm đề tài: “Cái nghề báo này dễ lắm. Bạn cứ kiếm mấy kẻ tồi tệ, tham nhũng kinh tớm, rồi cứ thế mà tới thôi.”

(2) Tìm nguồn: “Bất cứ ở đâu, trong bất kỳ tổ chức nào, cũng có những người tử tế trong hàng quản lý cấp trung, vì họ có nhu cầu cơm áo gạo tiền. Họ chỉ là nhân viên, và họ biết thế nào là đạo đức. Vậy phải làm sao cho họ tuồn tài liệu cho bạn qua cửa sau.”

(3) Đánh tiếng với những người đó: “Tôi dự buổi họp báo tại trụ sở chính của họ ở Zurich. Ngồi đầy hai bên tường là nhân viên, những người máy mặc áo FIFA với những gương mặt máy móc không có gì để nói, chỉ ngồi đấy đầy tường. Tôi tự bảo, ‘Đó, đó là những người tôi muốn. Tôi phải nói cho họ biết là có tôi đây. Tôi sẵn sàng xắn tay áo lên đánh. Tôi cố tình muốn đánh.” Và câu hỏi của Jennings trong buổi họp báo đầu tiên của Blatter trong vai trò chủ tịch FIFA là, “Herr Blatter, ông có bao giờ nhận hối lộ không?”

(4) Chỉ cần chịu khó bị ghét tí thôi: “Đám phóng viên né tôi như hủi. Ờ, nhưng mà tôi muốn điều đó. Cám ơn các bạn phóng viên ngu đần. Cái đĩa radar trên đầu tôi quay vòng vòng bắn tín hiệu tới các bộ áo FIFA hai bên tường là, ‘Tôi đây. Tôi là người của các bạn. Tôi không nể mấy đứa quyền cao chức trọng. Tôi biết chúng là loại người như thế nào. Tôi đã phanh phui bọn quan chức IOC, và tôi sẽ phanh phui bọn này luôn.”

(5) Bằng cách nào làm báo dở: “Nhiều phóng viên thể thao không muốn đụng những đề tài này vì sợ bị mất mối liên hệ với các quan chức cấp cao và với các vận động viên.”

Những bài học này có áp dụng được ở Bolsa không? Có áp dụng được ở Việt Nam không? Các bác nào làm báo các bác có thể tự rút ra kết luận. Tớ chỉ đọc báo, tớ không xúi ai làm gì hết.

Posted in Nhảm nhảm nhảm | Tagged , , , , , | Leave a comment

Rồi những đêm THẾ TRẦN đón Noel các bác ạ, không phải thánh đường

Nguyễn Vũ hát Bài Thánh Ca Buồn

Hôm bữa trên Facebook xuất hiện một video của nhạc sĩ Nguyễn Vũ, tác giả nhạc phẩm “Bài Thánh Ca Buồn” hát bài hát này trong một buổi tiệc nào đó.

Ở phút thứ 3:27, người ta thấy ông hát rất rõ câu này:

“Rồi những đêm THẾ TRẦN đón Noel”

thay vì câu mọi người thường hát là “Rồi những đêm thánh đường đón Noel.”

Facebooker Nhạc Vàng khi post video này thì có ghi thêm:

Ông có một lời nhắn nhủ đến cho chúng ta như sau : “hãy hát và hát đúng 2 từ trong nhạc phẩm của ông …Vào những đêm “Thế Trần” đón Noel ….thay cho 2 từ “Thánh đường” mà mọi người vẫn thường hát. Xin cảm ơn…. :-)”

Tôi định kiếm ông Nguyễn Vũ để hỏi cho ra ngọn ngành, nhưng không liên lạc được. Cho nên thực sự tôi không rõ câu “thánh đường” đến từ đâu.

Có nhiều khả năng. Có thể lúc đầu ông viết “thế trần” nhưng nhà xuất bản thuyết phục ông đổi thành “thánh đường.” Có thể lúc đầu ông viết “thành đường” nhưng bây giờ đổi ý muốn viết là “thế trần.” Cũng có thể ông viết “thế trần” nhưng nhà xuất bản viết thành “thánh đường” vì … lỗi anh đánh máy. Hay ông viết “thế trần” nhưng ca sĩ đầu tiên hát bài này trên radio hay TV lại hát thành “thánh đường” và thế là cả nước hát sai theo.

Không hỏi được ông, nên tôi không biết. “Thánh đường” có thể sai, hoặc “thánh đường” có thể đúng nhưng ông đổi ý.

* * * *

Nhưng lại sắp tới một đêm nữa đón Noel, tôi thấy “thế trần” hay hơn “thánh đường” nhiều. Trước tiên hết là vì “thánh đường” bị trùng vần với câu dưới, “Lang thang qua miền giáo đường dấu yêu,” nhưng cái đó chỉ là chuyện phụ, chuyện kỹ thuật. Cái chính là về ý, “thế trần” vẫn hay hơn.

Thánh đường là những địa điểm cụ thể, nằm ở những chỗ đấy đấy đấy. Gần Bưu điện Sài Gòn. Trên đường Hai Bà Trưng đối diện Đinh Công Tráng. Trên đường Yên Đổ (Lý Chính Thắng) hay trên đường Kỳ Đồng. Hay ngay bên kia cầu Thị Nghè. V.v. Đó là những địa điểm rời rạc, cho nên khi hát “Rồi những đêm thánh đường đón Noel,” câu hát ngụ ý chuyện đón Noel là chuyện cục bộ ở bấy nhiêu điểm đó thôi.

Nhưng niềm vui Giáng sinh có ở khắp nơi, không chỉ ở trong nhà thờ. Giáo lý Công giáo dạy như vậy, nhưng trên thực tế cũng vậy luôn. Thời ông Nguyễn Vũ, đêm Giáng sinh ở Sài Gòn là lúc tất cả mọi người tràn ra đường phố, người có đạo (Chúa) thì đi lễ nửa đêm, người không có đạo thì đi cho vui và cũng vào nhà thờ … coi cho biết, nhất là chen chân nhìn cho được hang đá Noel.

Ngoài đường phố, nhà nhà chăng đèn màu. Nhiều nhà có đạo treo đèn ngôi sao. Tỷ lệ có thể không lớn nhưng trong Sài Gòn thì đi một khúc lại tưng bừng đèn sao hang đá.

Cho nên phải là “thế trần” mới miêu tả được cái không khí đó. “Thánh đường,” nói theo ngữ pháp phương Tây, là ngôi thứ ba. Phải “thế trần” mới là ngôi thứ nhất số nhiều,

* * *

Đó là chuyện Giáng sinh. Nhưng Bài Thánh Ca Buồn không phải là một ca khúc Giáng sinh mà là một bài nhạc tình. Thì ngay cả với chuyện tình trong bài hát, “thế trần” cũng hay hơn “thánh đường.”

Đoạn ấy như này:

Bao nhiêu đêm Chúa xuống dương gian
Bấy nhiêu lần anh nhớ người yêu

Rồi những đêm ____ ____ đón Noel
Lang thang qua miền giáo đường dấu yêu
Tiếng thánh ca ngày xưa vang đêm tối
Nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn
Đêm thánh vô cùng lạnh giá hồn tôi

Đó là nỗi buồn của một thanh niên bị mất người yêu, mỗi năm đến mùa Giáng sinh lại nhớ đến lúc trước đây cùng nàng đi hát bài Đêm Thánh Vô Cùng.

Thì cái sự thất tình đó chỉ thật sự nặng nề khi mà chung quanh chàng thanh niên này tràn ngập niềm vui của những ngày Noel năm nào khi hai người còn có nhau.

Cho nên phải là cả thế trần đón Noel nó mới ngậm ngùi, chứ chỉ thánh đường thôi thì … không ăn thua.

* * *

Nói tóm lại là tuy vẫn có khả năng lời “thánh đường” không sai (tức là không phải lời in sai nhưng nhạc sĩ đổi ý sau vài chục năm), nhưng khi nghe video nhạc sĩ Nguyễn Vũ hát Bài Thánh Ca Buồn thì trong đầu tớ ¡Eureka! và từ nay tớ sẽ luôn luôn hát “thế trần.”

Chúc mừng Giáng sinh và Hannukah, các bác!

Posted in Nghệ thuật, Nghiêm túc | Tagged , | Leave a comment

Hoàng Sa Trường Sa là của VNCH hả ?

Trại lính TQ ở Trường Sa.

Trại lính TQ ở Trường Sa.

Rảnh rỗi sinh nông nổi, lại đem công hàm bác Ðồng ra bàn chơi.

(Tớ đã từng bàn rồi, ở những bài này:

Công hàm TT Phạm Văn Đồng cần giải thích, đừng giấu nhẹm (25/6/2011)

Những điều nói trong công hàm TT Phạm Văn Đồng (28/6/2011)

Đảo của VNCH, nguyên tắc estoppel và công hàm của TT Đồng (9/7/2011)

Lối ra cho công hàm TT Đồng (14/7/2011)

Có khi công hàm ko bán nước hay ngu mà là lưu manh? (27/6/2014)

Bi giờ bàn tiếp, nhân chat với bác ni.

Giả sử nước CHXHCNVN công nhận Việt Nam Cộng Hòa thời ấy có chủ quyền đối với Hoàng Sa Trường Sa và do đó công hàm bác Ðồng vô hiệu lực. Vì vào năm 1957, hai đảo này thuộc VNCH, còn mãi sau này Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của miền Bắc mới gộp cùng Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (cờ xanh đỏ sao vàng) thành CHXHCNVN. V.v.

Rồi giả sử VN TQ dắt nhau ra toà, TQ trưng công hàm, VN bèn cãi là vô hiệu lực như trên như trên.

Thế tòa bèn hỏi:

  • “Ơ hay, thế nếu VNCH có chủ quyền thì sao VNDCCH với CHMNVN lại hè nhau chiếm nó ? Mà nếu HS TS là của nó, thì giờ có đem trả thì trả nó chứ sao trả cho CHXHCNVN. Có trả thì trả cho VNCH chứ ?”

VN:

  • “Nhưng nó chết rồi! Tui thừa kế nó!”

Tòa:

  • “Nó chít tại chị giết nó!  Chị  cho tui coi có tiền lệ nào thằng giết được thừa kế thằng chết?”

Mời các bác viết tiếp .

Posted in Uncategorized | Tagged , , , | Leave a comment

Hỏi về Nhà hát TP ở Sài Gòn

Nhân các bác đang nói về các tòa nhà thời Tây ở SG, tớ có câu hỏi về Nhà hát TP ngay đầu đường Lê Lợi.

Thời Tây, nó là nhà hát thành phố, gọi là théâtre municipal, rồi sau gọi lên là l’Opéra de ville cho nó sang.

Thời VNCH, tòa nhà này được dùng làm trụ sở Quốc hội, lúc đầu là của chung QH và sau đó của riêng Hạ Nghị Viện.

Sau 1975 nó trở lại là Nhà hát thành phố.

Tòa nhà Opéra de ville xây theo kiểu nhà hát Tây, nên tất nhiên có trang trí kiểu nhà hát, hầu hết là hình phụ nữ khỏa thân, nổi bật nhất là hai pho tượng bà đầm hở vú ngay phía trước.

Thời VNCH, các cụ dân biểu cho rằng bà đầm hở vú là không hợp cho trụ sở Quốc Hội, nên các cụ bắt bỏ chúng nó đi.

Các bác xem hình đây này (lụm lặt lung tung trên web):

Thời Tây:

Opera thoi Tay

Saigon Municipal Theater

Thời VNCH:

Trụ sở Quốc Hội / Hạ Nghị Viện. Bao nhiêu vú dẹp hết.

Quoc hoi VNCH

Ha Nghi Vien SG

Và bây giờ:

Hai bà đầm hở vú đã trở lại. Hehehe.

Nha hat TP

Cả cái khiên trên nóc cũng trở lại và cũng là hai cô đầm ở truồng.

HCMC opera house on the roof

Câu hỏi của tớ là, bà đầm hở vú một đi rồi trở lại đó, là làm sao?

* Là sau 75 các sếp đã cho xây lại tiền đình tòa nhà kể cả đúc lại mấy bức tượng bà đầm hở vú?

* Hay là hồi trước 75 tuy dẹp mấy bà đầm nhưng không đập bỏ mà cất đâu đấy nên sau này vẫn còn có di tích có để đặt lại chỗ cũ?

Bác nào biết câu trả lời xin cho biết.

Posted in Nghệ thuật, Nghiêm túc | Tagged , | Leave a comment

Có khi công hàm ko bán nước hay ngu mà là lưu manh?

Nội dung công hàm 1958 do Thủ tướng VNDCCH Phạm Văn Đồng ký, thì bây giờ được loan truyền rộng rãi rồi, có lẽ ai cũng biết. Ai không biết thì có thể bấm vào đây.

Tóm tắt thì Trung Quốc biểu “Biển 12 hải lý là của tao, tính từ Tây Sa, Nam Sa của tao. (Con chim trên cành cũng là của tao.)”

Bác Đồng bèn trả lời:

“Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận 12 hải lý của Trung Quốc.

Poster TQ 1965, thời mà cha con còn hòa thuận một nhà.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển.”

Bình thường, khi một bên tuyên bố điều A-B-C-D, bên kia chỉ đồng ý điều A, thì người minh bạch sẽ nói “Chúng tôi đồng ý điều A còn B-C-D không đồng ý” một cách rõ ràng như vậy.

Nhưng bác Đồng thì lại không làm thế. Bác viết là bác “ghi nhận và tán thành” cũng như “tôn trọng” quyết định 12 hải lý mà im không nói 12 hải lý ấy tính từ đâu.

Và có thể bác hy vọng là không ai nghĩ rằng nó phải tính từ đâu đó chứ nhỉ. Bác Đồng ko nói gì thì người ta hỏi bác Lai và bác ấy sẽ biểu, “Tính từ Tây Sa, Nam Sa chứ đâu!”

Mà không chỉ mỗi bác Đồng, mà các vị lãnh tụ cộng sản khác cũng nghĩ vậy.

Mới đây nhất, nói chuyện với Mặt trận Tổ quốc tại Sài Gòn, “Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, ông đọc rất kỹ công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tuy nhiên, không có câu chữ nào cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc.

Chuyện này nói lên điều gì? Nó trả lời câu hỏi này này:

Có bạn từng hỏi, công hàm 1958, đảng CS bán nước hay là ngu? Ý nói, hay có khi các bác VNDCCH cũng chả biết Tây Sa, Nam Sa là cái con gì, nhắm mắt ký bừa.

Cũng có thể.

Nhưng khi hậu duệ bác Đồng cứ liên tục vin vào chuyện “câu chữ” và “không có nhắc đến Trường Sa Hoàng Sa là của Trung Quốc” thì dường như giới lãnh đạo đảng CS năm 1958 biết rõ bác Đồng đang ký cái gì, và họ hớn hở với cái khôn lỏi của việc làm như tán đồng bác Lai như tránh được chuyện nói về Trường Sa Hoàng Sa.

Dường như đảng Cộng sản Việt Nam rất thích cái mánh kiểu trí khôn đường phố chẻ sợi tóc làm tư như vầy.

Vì cũng cái loại trí khôn lưu manh đó đã nghĩ ra chuyện kêu gọi sĩ quan VNCH cấp úy đi tập trung học tập cải tạo “đem theo lương thực đủ 10 ngày,” cấp tá “đem lương thực đủ 1 tháng.”

Để rồi khi giam người ta tới 10, 12, 13 năm, thì nhe răng cười mà rằng, “tao có nói học tập 10 ngày đâu!”

Nếu đem cái trò này ra nói với quốc tế, chắc chắn người ta sẽ cười vào mặt.

Nhưng hy vọng cuối cùng, là sau khi người ta cười, biết đâu người ta lại kết luận, hai băng đảng bụi đời lừa nhau, lưu manh tất hữu lưu manh trị, Trung Quốc kém lưu manh thì thua ráng chịu!

Posted in Nghiêm túc | Tagged , , , | 6 Comments

Báo Nhân Dân: Người dân Hoàng Sa bỏ phiếu quyết định tương lai

Hoan nghênh chính phủ Trung Quốc tôn trọng ý nguyện cư dân Hoàng Sa.

 

 

 

NDĐT – Theo Tân Hoa Xã, hôm nay, khoảng 1500 người dân tại nước CH tự trị Hoàng Sa của biển Nam Trung Hoa đã bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về tương lai của đảo này tại 1.205 điểm bầu cử. Các nhà quan sát cho biết cuộc bỏ phiếu diễn ra từ sáng đến nay trong trật tự và hoà bình với số người đi bỏ phiếu rất cao.

Chủ tịch uỷ ban trưng cầu dân ý của Hội đồng tối cao Hoàng Sa Hu Zi cho biết trong sáng nay: “Tất cả 1.205 điểm bầu cử đều mở cửa và hoạt động đúng kế hoạch. Sáng nay là một buổi sáng tốt lành”. Tuy nhiên, ông cũng cho hay có một số khó khăn nhỏ do thời tiết không thuận lợi.

Phiếu bầu cử sẽ được ghi bằng ba thứ tiếng Hoa giản thể, Hoa phức thể, và thổ ngữ Hoàng Sa hai câu hỏi:

1. Bạn ủng hộ tái thống nhất Hoàng Sa vào Trung Quốc như một thực thể hợp hiến của Trung Quốc?

2. Bạn ủng hộ việc khôi phục Hiến pháp 1946 của nước Cộng hoà Hoàng Sa và Hoàng Sa là một phần của biển Nam Trung Hoa với các quyền tự trị lớn hơn?

Cuộc trưng cầu dân ý sẽ kéo dài từ 8 giờ sáng cho tới 8 giờ tối (theo giờ địa phương). Các biện pháp an ninh đã được tăng cường trong thành phố và trên khắp đất nước. Cảnh sát và các nhân viên phục vụ tình trạng khẩn cấp tại Hoàng Sa được đặt trong tình trạng báo động. Theo một quan chức chính quyền Hoàng Sa, khoảng 2.500 nhân viên được huy động để bảo đảm trật tự công cộng và luật pháp cho cuộc trưng cầu dân ý lần này.

.

Trước đó, theo kết quả của một cuộc thăm dò dư luận đầu tuần này ở Hoàng Sa, có đến hơn 90% người dân địa phương ủng hộ quyết định sáp nhập Hoàng Sa vào Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên AFP sau khi bỏ phiếu tại điểm Tân Hoàng Phố, cụ ông 71 tuổi Hsu Tanlei nói: “Chúng tôi đã đợi chờ thời điểm này nhiều năm rồi. Mọi người sẽ bỏ phiếu cho nước Trung Quốc”.

Chính quyền Hoàng Sa đã cho phép 623 phóng viên đến từ 169 cơ quan báo chí, truyền thông và 135 thanh sát viên đến từ 23 quốc gia, trong đó có Nga, Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức, Italy, Mông Cổ, Tây Ban Nha tới đưa tin cuộc trưng cầu dân ý… Trong số các thanh sát viên cũng có các đại biểu của quốc hội các nước Đông và Tây Âu, đại biểu của nghị viện châu Âu.
Các phóng viên có thể hiện diện tại mọi điểm bầu cử. Một trung tâm báo chỉ mở cũng đã được thiết lập. Tại đây sẽ cập nhật thông tin thường xuyên về quá trình trưng cầu dân ý và kết quả kiểm phiếu.

Tại TP Hoàng Sa khoảng 306 người dân sẽ đi bỏ phiếu tại 192 điểm bầu cử. Lãnh đạo chính quyền thành phố cho biết tất cả đã sẵn sàng để đón nhận các lá phiếu của cử tri. Theo Tân Hoa Xã có 54 thanh sát viên đến từ Liên hiệp châu Âu EU và hơn 200 phóng viên đến từ 15 quốc gia tham gia chứng kiến sự lựa chọn của người dân địa phương.

Trung Quốc phủ quyết bản dự thảo nghị quyết của Mỹ và phương Tây

Ngay trước khi cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý tại Hoàng Sa diễn ra, đêm 15-3 (theo giờ Việt Nam), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bỏ phiếu dự thảo nghị quyết do Mỹ và phương Tây đề xuất về cuộc khủng hoảng ở biển Nam Trung Hoa và tình hình Hoàng Sa. Tuy nhiên, đúng như dự đoán, cuộc bỏ phiếu đã thất bại do Trung Quốc phủ quyết hoàn toàn dự thảo nghị quyết này. Tại cuộc họp, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Wang Min một lầnnữa khẳng định, Trung Quốc sẽ “tôn trọng ý chí của người dân Hoàng Sa”.

Posted in Nghiêm túc | 11 Comments