Tại sao cách mạng toàn làm bất ngờ (kỳ 1)

Hình chôm, xin đừng méc

Bức tranh "Tự do dẫn đường quần chúng" (La liberté guidant le peuple) của Eugène Delacroix tại bảo tàng Louvre.

Vũ Quí Hạo Nhiên

Đùng một cái, Tunisia hết độc tài. Rồi sau đó, ở một nước mà ai cũng tưởng là an toàn – vì cũng dân chủ được nửa vời – cũng có một cuộc cách mạng khiến vị tổng thống 30 năm của Ai Cập phải ra đi. Rồi cả Gadhafi, khát máu là thế, mà coi bộ cũng chống không nổi làn sóng cách mạng dân chủ.

Một chế độ độc tài mà đang xuống dốc rồi bị lật đổ, thì người ta không ngạc nhiên. Nước Việt Nam từng có kinh nghiệm như vậy. Nhưng hầu hết các cuộc cách mạng khác thì không như thế.

Có những chế độ đang vững như bàn thạch mà tự dưng ngã sụp. Đông Đức chẳng hạn, là chế độ cộng sản có nền kinh tế vững nhất khối xã hội chủ nghĩa anh em, bỗng một sớm một chiều mất biến cái tường Bá Linh. Libya, tưởng dùng súng bắn dân là chúng nó sợ, tự dưng bị một làn sóng biểu tình dâng lên khắp nước. Phi công thì trái lệnh, thà bỏ đi còn hơn thả bom giết dân mình. Đại sứ – đàn em là thế – cũng thà từ chức còn hơn đại diện cho chế độ.

Nhìn lại các cuộc cách mạng trên thế giới, hầu hết đều có chung một yếu tố, là sự bất ngờ. Có một yếu tố chung cho gần như tất cả các cuộc cách mạng, từ Cách mạng Pháp 1789, tới Cách mạng tháng Mười Nga, tới những sự kiện gần đây: cách mạng Iran 1979 lật đổ Shah, cuộc đình công thành lập Công đoàn Đoàn Kết, cách mạng Tunisia, Ai Cập.

Yếu tố chung đó, là:

Cho tới khi cuộc cách mạng xảy ra, chẳng ai nghĩ cuộc cách mạng sẽ xảy ra.

Bị bất ngờ nhất, là nhà cầm quyền. Chuyện kể rằng khi vua Louis XIV nghe tin dân chúng tràn vào phá ngục Bastille, ông thốt lên, “Ơ hay, chúng nó làm loạn à?” Thì một đệ tử đáp lại, “Không phải, tâu Bệ Hạ. Cả một cuộc cách mạng đấy.

Nghĩ cho kỹ, thì chuyện nhà cầm quyền bị bất ngờ là chuyện có vẻ hiển nhiên, có vẻ tautological: Nếu nhà cầm quyền mà tiên đoán được sẽ có cuộc cách mạng xảy ra khiến mình mất quyền, mất mạng, thì chắc hẳn họ đã làm một cái gì đó – đàn áp, hay cứu đói, hay đổi mới, v.v. – để nó đừng xảy ra.

Nhưng không phải chỉ có nhà cầm quyền ngạc nhiên. Người khác cũng thế. Khi cách mạng tràn lan ở Đông Âu khiến cả khối cộng sản sụp đổ và bức tường Berlin bị phá vỡ, ai cũng bị bất ngờ. Không một ai – từ phía cộng sản cho tới phe đối lập trong nước, và cả các “thế lực thù địch nước ngoài” – tiên đoán trước được điều đó. Khắp Đông Âu, ngay cả những người đấu tranh dân chủ cả chục năm cũng giật mình khi thấy tự dưng chế độ cộng sản sập cái rầm.

Fan của TT Reagan thường viện dẫn lời ông nói, "Mr. Gorbachev, tear down this wall" để cho là ông có biết trước. Nhưng đó chỉ là lời nói hậu của fan. Tài liệu tòa Bạch Ốc cho thấy Reagan cũng không hề ngờ trước.

Nó sập rồi người ta mới bắt đầu phân tích lý do tại sao nó sập là đúng!

Nhiều người cho rằng vì cộng sản nó độc tài nên nó sẽ dùng bạo lực để giữ được quyền cho tới ngày tận thế. Cũng có người cho rằng cộng sản vì nó độc tài nên nó sẽ phải đổ một ngày nào đó, nhưng hầu hết đều tiên đoán vào ngày đâu đó thế kỷ 21, chứ không ai ngờ nó xảy ra lúc nó xảy ra.

Nhưng mà khi cách mạng xảy ra rồi, thì rất đông các nhà sử học, các nhà khoa học chính trị, in ra một loạt sách báo để phân tích rằng thì là, cái chế độ quân chủ của Louis XVI, cái chế độ Sa hoàng của nhà Romanov, cái chế độ Shah Iran, cái chế độ cộng sản, nó như thế như thế như thế, nên nó chết là đáng. Rồi họ lắc đầu than thở, bao nhiêu dấu hiệu như vậy sao chúng ta không thấy nhỉ?

Một đống sách vở như vậy, thì những tưởng là mọi người đã rút kinh nghiệm rồi chứ. Thì những tưởng chuyện xảy ra ở Tunisia mọi người phải tiên đoán được chứ.

Nhưng đến lúc Trung Đông biến thành dân chủ thì lại bổn cũ soạn lại. Vẫn không ai tiên đoán được!

Điều gì khiến cho cả một thế giới đầy rẫy những nhà trí thức, những nhà nghiên cứu, những nhà phân tích, với những phương tiện tối tân, những mô hình xã hội chính trị tổng quát cũng như chi tiết, được dựng trên nền tảng số liệu ngập đầu và cập nhật, vẫn không tiên đoán được một cuộc cách mạng?

Tại sao hệ thông tình báo Hoa Kỳ, với bạc tỷ ngân sách và kinh nghiệm tiên đoán cả đống thứ, vẫn bị bất ngờ tới mức bị Tổng thống Obama càm ràm là mấy người phân tích sai bét khiến tôi bị hụt hẫng?

Câu trả lời nằm trong một tác phẩm gần như kinh điển trong ngành khoa học chính trị, của một trí thức Mỹ gốc ngoại quốc, giải thích cho hiện tượng này. Tớ sẽ post tóm tắt tác phẩm đó trong kỳ sau.

(Còn tiếp)

This entry was posted in Chính trị, Nghiêm túc and tagged . Bookmark the permalink.

4 Responses to Tại sao cách mạng toàn làm bất ngờ (kỳ 1)

  1. Trang says:

    Đang hay thì bác cắt… y như phim truyền hình :((

    Em chờ phần tiếp theo đấy ạ.

  2. Pingback: TẠI SAO CÁCH MẠNG TOÀN LÀM BẤT NGỜ ? (Vũ Quí Hạo Nhiên) « Ngoclinhvugia's Blog

  3. Pingback: Tin 26-2-2011 « BA SÀM

  4. Pingback: Anhbasam Điểm Tin 26-2-2011 « doithoaionline

Leave a comment